Lịch sử Binh_chủng_Tên_lửa_phòng_không,_Quân_đội_nhân_dân_Việt_Nam

Trung đoàn tên lửa đầu tiên

Chủ tịch Hồ chí Minh đến thăm Tiểuđoàn hỏa lực 61, Trung đoàn tên lửa 236; đơn vị tên lửa phòng không đầu tiên của QĐNDVN

Năm 1958, Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đi học sử dụng vũ khí tên lửa phòng không tại các trung tâm huấn luyện quân sự của Liên Xô ở Leningrad, Kiev, Odessa, Minsk...

Ngày 10 tháng 7 năm 1963, một đơn vị đặc biệt mang phiên hiệu Trung đoàn 228B (trùng tên với trung đoàn cao xạ 228 để giữ bí mật) được thành lập. Cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn kỹ từ khắp các đơn vị trong toàn quân, một số đông kỹ sư vô tuyến điện, hoá học, cán bộ kỹ thuật từ Trường đại học Bách khoa, các trường trung cấp kỹ thuật và rất nhiều học sinh phổ thông cấp III được điều động về xây dựng trung đoàn.

Ngày 7 tháng 1 năm 1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 03/QĐ-QP thành lập Trung đoàn 236 là trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên thuộc Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân (Để giữ bí mật, trong quyết định ghi: Trung đoàn cao xạ 236).

Từ giữa tháng 3 năm 1965, phần đông cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 228B, những cán bộ từ Liên Xô trở về, hàng trăm chiến sĩ được lựa chọn kỹ với chất lượng cao được tập trung về xây dựng Trung đoàn tên lửa 236. Trong biên chế của trung đoàn có các cơ quan, bốn tiểu đoàn hoả lực (61, 62, 63, 64) và một tiểu đoàn kỹ thuật (65). Trung đoàn được huấn luyện tại căn cứ Mỏ Chén (Sơn Tây) dưới mật danh "Công trường 100".

Các cán bộ chỉ huy:

  • Nguyễn Quang Tuyến, Trần Nhẫn, Trần Xanh, Phạm Đăng Ty, Nguyễn Ly Sơn giữ chức trung đoàn trưởng, trung đoàn phó, chính ủy và phó chính ủy.
  • Lê Thanh Cảnh, Phạm Đăng Thông, Vũ Văn Thao, Hoàng Phùng Ngọc giữ chức tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị, hậu cần và kỹ thuật của trung đoàn.
  • Hồ Sĩ Hưu, Trần Đình Huề, Nguyễn Tiến Thu, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Văn Lung giữ chức tiểu đoàn trưởng.
  • Vũ Ngọc Thuỵ, Đinh Công Tiếu, Nguyễn Thanh Đạt, Trần Hoà, Đào Tiến giữ chức chính trị viên tiểu đoàn.

Ngày 27 tháng 3 năm 1965, Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Liên Xô đã ký hiệp nghị đưa vào Việt Nam 4, 5 cơ số quả tên lửa (loại B-750B) đi kèm với trang bị kỹ thuật cho hai trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên, sử dụng tên lửa đất đối không SAM-2.

Ngày 1 tháng 5 năm 1965, lễ chính thức thành lập Trung đoàn tên lửa 236 được tổ chức tại trung tâm huấn luyện Mỏ Chén.

Trận đánh đầu tiên

Một tấm áp phích thời Chiến tranh Việt Nam thể hiện quyết tâm chiến đấu của bộ đội tên lửa Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuối tháng 6 năm 1965, cơ quan tham mưu Quân chủng dưới sự chỉ đạo của thượng tá Nguyễn Quang Tuyến, Tham mưu phó Quân chủng xây dựng được phương án tổ chức trận đánh đầu tiên của bộ đội Tên lửa phòng không.

Khu vực tác chiến được chọn là vùng Suối Hai - Trung Hà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây nằm phía hữu ngạn sông Đà, cách Hà Nội khoảng 60 km. Để đảm bảo bí mật, các trận địa tên lửa được xây dựng cấp tốc trong 36 giờ.

Trực tiếp tham gia trận đánh là tiểu đoàn 63, 64 của Trung đoàn tên lửa 236 (có tiểu đoàn 61 làm dự bị). Để bảo đảm đánh thắng trận đầu, Quân chủng cho phép kíp chiến đấu do quân nhân Liên Xô trực tiếp thao tác, kíp chiến đấu của Việt Nam theo dõi, học tập rút kinh nghiệm.

Tham gia phối hợp có đại đội radar 26A cùng các đơn vị pháo cao xạ, súng máy của bộ đội và dân quân.

15 giờ 40 phút ngày 24 tháng 7 năm 1965, đại đội radar 26A phát hiện tốp máy bay gồm 4 chiếc F-4 của Không quân Mỹ bay ở độ cao 7.000m bay theo trục sông Đà.

15 giờ 53 phút, tiểu đoàn 63 và 64, mỗi đơn vị phóng 2 quả tên lửa, bắn rơi 1 chiếc F-4. Không quân Mỹ bị bất ngờ nên không có phản ứng lại. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi bởi binh chủng Tên lửa phòng không. Ngày 24 tháng 7 năm 1965 sau này được chọn làm ngày truyền thống của binh chủng. (Theo trang Sputnik thì "Vào lúc 14:40 ngày 24/7/1965, tên lửa của Liên Xô đã được khai hỏa - lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam. Trung đoàn của Mozhaev và Nguyễn Văn Thành bắn hạ 2 máy bay, đơn vị của Ilyins và Nguyễn Văn Ninh — 1 chiếc khác."[3])

Liên quan